Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2024
Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam, cùng với khí thế chung của cả nước, công đoàn trườngTHCS Văn Giang tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Kĩ năng xây dựng gia đình: No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”
Gia đình - Nơi Bắt Đầu Hạnh Phúc
Gia đình là tổ ấm tình thân, nơi chúng ta chia sẻ yêu thương, nỗi buồn và niềm vui. Để xây dựng một gia đình hạnh phúc, ấm no và văn minh, chúng ta cần những kỹ năng và giá trị tinh thần vững chắc.
1. Tôn Trọng và Lắng Nghe
Kỹ năng lắng nghe và tôn trọng là cơ sở của mọi mối quan hệ. Hãy dành thời gian để hiểu biết và chia sẻ cảm xúc với nhau. Sự tôn trọng và lắng nghe sẽ tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ trong gia đình.
Tôn trọng là một đức tính quý giá, không thể ngay một lúc mà có được. Nó được hình thành từ trong tính cách và thái độ ứng xử biết mình biết người. Người biết tôn trọng trong gia đình phải là người tự tin và tự tin nhưng không sa vào tự cao tự đại và để thiếu đi lòng tự trọng cần thiết. Giữ gìn tự trọng trong ứng xử gia đình là điều cần thiết để duy trì ngọn lửa hạnh phúc, mãi ấm áp tỏa sáng.
Gia đình là tế bào xã hội đồng thời lại là một xã hội thu nhỏ.
Tiêu chí ứng xử tôn trọng trong gia đình ở rất nhiều khía cạnh và có những nội dung sâu sắc thể hiện đậm nét qua phong tục, tập quán. Sự tôn trọng về tuổi tác là kính già – yêu trẻ. Đi hỏi già về hỏi trẻ. Người già là cây cao bóng cả được mọi người tôn kính, được tin yêu, được nghe lời, được chăm sóc tốt nhất từ miếng ăn đến giấc ngủ và sự dưỡng lão cần thiết, tốt nhất trong gia đình. Ngược lại trong gia đình những thành viên ít tuổi cũng nhận được nhiều hơn sự tôn trọng khi được chăm sóc dạy dỗ, nâng niu chiều chuộng đúng mức để khôn lớn trưởng thành.
Sự sẻ chia trong sinh hoạt gia đình, trong đời sống vợ chồng không cứ gì phải to tát. Nó nảy nở giao tiếp qua lại bình dị trong bữa ăn, giấc ngủ, trong lời ăn tiếng nói. Chia sẻ công việc gia đình để gắn kết tình vợ chồng. Chia sẻ gánh nặng áp lực trong công việc sẽ làm cho người thân, bạn đời thoải mái hơn.
Trong bài thơ : Đôi dép nhà thơ Nguyễn Trung Kiên đã viết:
Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi, cùng nhau
Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh, nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia.
|
Đôi dép vô tri khăng khít bước song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi.
|
Tình cảm ruột thịt giữa các thành viên trong gia đình luôn là sợi dây vô hình gắn bó con người tạo ra nguồn năng lượng tỏa sáng cuộc sống hạnh phúc
2. Truyền Đạt Tình Cảm
Bày tỏ tình cảm và quan tâm đến thành viên trong gia đình hàng ngày. Một cử chỉ nhỏ như lời khen ngợi, ôm hôn hay sự chia sẻ có thể làm tăng thêm hạnh phúc và sự gắn kết trong gia đình.
3. Hỗ Trợ và Chia Sẻ
Gia đình hạnh phúc là nơi mỗi thành viên luôn hỗ trợ và chia sẻ với nhau. Khi gặp khó khăn, hãy tìm đến gia đình để có sự động viên và giúp đỡ.
Tình cảm gia đình được xây dựng trên tình yêu thương, bổn phận và trách nhiệm của mỗi thành viên. Chỉ vì nhịp sống quá nhanh của xã hội mà chúng ta vô tình dần quên đi những sự hi sinh thầm lặng của bố mẹ, ý nghĩa của hai chữ gia đình. Để rồi khi vấp ngã, khi gặp sóng gió, gia đình chính là bến đỗ an toàn nhất và chính tình yêu thương đó sẽ là đôi cánh giúp ta tiếp tục cho những hành trình vươn xa. Dù nơi đó có tồi tàn đi chăng nữa nhưng không có nơi nào có thể so sánh bằng gia đình, nên chúng ta phải biết trân trọng món quà vô giá này.
Tình cảm gia đình là nguồn động lực lớn lao, giúp chúng ta vững bước trên con đường đời, là chỗ dựa vững chắc giúp ta thêm sức mạnh vượt quan mọi khó khăn. Sức mạnh to lớn của tình cảm gia đình ấy sẽ chắp cánh cho ta đôi cánh, tự tin bay đến những ước mơ, kháng vọng lớn lao của mình. Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc, là nơi mà khi mỗi chúng ta nghĩ về luôn trở thành động lực để trở thành một người tốt hơn. Không có gì bất hạnh và cô đơn hơn khi thiếu vắng tình cảm gia đình.
4. Dành thời gian chất lượng bên gia đình.
Đã bao lâu rồi chúng ta không dành thời gian cho gia đình?
Mọi người ai cũng bận quan tâm đến công việc, sở thích cá nhân và các mối quan hệ xã hội mà quên mất thời gian trò chuyện, quây quần bên gia đình. Dần dà các bữa cơm ngồi với nhau trở nên thưa thớt, ông bà muốn gặp con cháu, ba mẹ muốn gặp con cái cũng chẳng có nhiều dịp. Chờ đến thứ 7, chủ nhật, chờ đến dịp lễ tết gia đình mới được gặp mặt đầy đủ các thành viên.
Người ta thường nói rằng, gia đình là nhà, là nơi để mọi người tìm về khi mệt mỏi, khi muốn được bảo bọc, che chở và yêu thương. Có một gia đình trọn vẹn là điều vô cùng quý giá và đáng trân trọng. Vì sao lại như vây? Bởi vì:
Nhà là nơi mang đến sự an yên trong tâm: Khi ở bên gia đình, bạn chẳng còn bận tâm đến công việc đầy áp lực ngoài kia. Chỉ đơn giản là ăn một bữa cơm với mọi người, ngủ một giấc trong căn phòng quen thuộc ở nhà thôi cũng đủ để bạn cảm thấy nhẹ lòng, sạc đầy năng lượng, củng cố tinh thần và sẵn sàng đối mặt với các thử thách phía trước.
Nhà là nơi để tăng sự thấu hiểu: Về bên gia đình, cùng thì thầm nhỏ to về những câu chuyện gần đây, những áp lực trong công việc, những khúc mắc chưa tìm được lời giải đáp là cách để bạn giải tỏa sự căng thẳng, thông cảm và thấu hiểu cho mọi người nhiều hơn.
Nhà là nơi tạo ra nhiều kỷ niệm đẹp: Dù đi đâu, làm gì gia đình vẫn là chốn bình yên để bạn quay về. Cùng sum họp bên nhau ngồi ăn uống, trò chuyện hoặc đi du lịch vừa tăng thêm tình cảm vừa tạo ra nhiều kỷ niệm đẹp với gia đình. Bởi vì sau tất cả, thứ duy nhất ở lại với chúng ta không phải là tiền bạc, vật chất mà chỉ có những kỷ niệm và phút giây vui vẻ, để mỗi khi nhớ về ta lại cảm thấy rung động, như sống lại trong khoảnh khắc ấy một lần nữa.
Một mẹo nhỏ để luôn có năng lượng khi trở về nhà là xem những hoạt động ở nhà như một đầu mục công việc thứ hai trong ngày. Khi bước vào cửa nhà, chúng hãy tự nhắc nhở rằng mình không còn ở trường, ở trên lớp nữa. Điều đó có nghĩa là công việc đầu tiên của bạn đã kết thúc, nhưng nó không có nghĩa là đã hoàn thành một ngày của mình. Giờ là lúc chúng đang bắt đầu công việc thứ 2 của mình.
Kết Luận: Gia đình là nơi chúng ta học hỏi, chia sẻ và phát triển. Hãy cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc, ấm no và văn minh để tạo ra một môi trường sống tốt đẹp cho mỗi thành viên. Hạnh phúc bắt đầu từ gia đình!
Một số hình ảnh hoạt động tổ chức 20/10